Ngày 15/3, tại Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh giai đoạn 2015-2023, triển khai công tác tuyển sinh năm 2024, 2025. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội nghị.
Hội nghị nhằm nhìn lại 9 năm đổi mới tuyển sinh từ 2015; tổng kết, đánh giá công tác tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2023 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2024, định hướng 2025.
8 điểm mới trong tuyển sinh đại học từ năm 2015 đến nay
Nhìn lại 9 năm đổi mới tuyển sinh từ năm 2015, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thuỷ đề cập tới 8 vấn đề đổi mới. Đó là, đổi mới tổ chức thi để xét tuyển, phương thức xét tuyển; đổi mới đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển; đổi mới ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng; đổi mới trong quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng; đổi mới trong quy trình xét tuyển và lọc ảo; đổi mới về cơ sở dữ liệu; đổi mới về chỉ tiêu tuyển sinh và một số điểm đổi mới khác như đề án tuyển sinh, xác nhận nhập học, nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến, xác nhận nhập học trực tuyến…
Hội nghị có sự tham gia của đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ GDĐT và hơn 800 lãnh đạo nhà trường, cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh, đào tạo từ các trường đại học
Tất cả những đổi mới trong công tác tuyển sinh 9 năm qua đều hướng tới mục tiêu là công tác tuyển sinh ngày càng thuận lợi, minh bạch, công bằng, tạo cơ hội cao nhất người học; các cơ sở đào tạo vừa đảm bảo tinh thần tự chủ nhưng cũng nâng cao chất lượng.
Nếu như năm 2015, số thí sinh nhập học đại học chính quy là 400.163 thí sinh thì năm 2023, con số này là 546.686. Có 3 năm 2016, 2017, 2018 số thí sinh nhập học chính quy dưới 400 nghìn; có 3 năm trên 500 nghìn là các năm 2021, 2022, 2023.
Đánh giá kết quả tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2023, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết: Năm 2023, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT là 1.022.063 thí sinh; tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng ngành giáo dục mâm non là 663.063; số thí sinh trúng tuyển đã nhập học là 546.686; tỉ lệ nhập học/chỉ tiêu là 82,45%; tỉ lệ nhập học/số dự thi tốt nghiệp THPT là 53,12%.
Nếu tính theo 6 vùng kinh tế, tỉ lệ nhập học đại hoc, cao đẳng/số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT như sau: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc 40,28%; vùng Đồng bằng sông Hồng 64,44%; vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung 52,65%; Tây Nguyên 48,56%; Đông Nam Bộ 64,24%; Đồng bằng sông Cửu Long 52,45%.
Báo cáo tuyển sinh năm 2023 cũng thống kê 10 tỉnh/thành phố có tỉ lệ nhập học đại học chính quy cao nhất và 10 tỉnh thấp nhất. Trong đó đứng đầu trong 10 địa phương cao nhất là Bình Dương với tỉ lệ nhập học đại học năm 2023 là 80,61%, đứng cuối trong 10 địa phương thấp nhất là Sơn La với tỉ lệ 25,79%.
Tỉ lệ nhập học so với chỉ tiêu của ngành sư phạm là 89,14%. Trong đó, cao đẳng là 89,78%, đại học là 88,97%. Mặc dù tuyển sinh sư phạm đã có khởi sắc song vẫn còn nhiều địa phương không đặt hàng đào tạo, một số ngành khó tuyển.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thuỷ báo cáo tại Hội nghị
Công tác tuyển sinh năm 2023 đảm bảo an toàn, minh bạch, đúng quy chế, tiếp tục cho thấy đột phá trong chuyển đổi số. Đối với thí sinh công tác tuyển sinh tạo sự công bằng, thuận tiện. Đối với cơ sở đào tạo là sự bình đẳng, minh bạch, giảm mạnh tỉ lệ ảo. Bộ GDĐT cũng đã có hệ thống dữ liệu cập nhật toàn vẹn, tin cậy, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước.
Về thực trạng sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển, bà Nguyễn Thu Thuỷ đánh giá: Thực trạng này gây nhiễu thông tin. Nhiều phương thức xét tuyển không có hoặc rất ít thí sinh đăng ký dẫn tới kém hiệu quả. Chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Nhiều cơ sở đào tạo chưa phân tích tương quan, đánh giá đối sánh kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức.
Năm 2023, xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm cao nhất 49,45%. Tiếp theo là phương thức xét kết quả học tập bậc THPT 30,24%. Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy 2,57%. Các phương thức khác (bao gồm 12 phương thức) 14,10%.
Đối với vấn đề xét tuyển sớm, năm 2023, số cơ sở đào tạo xét tuyển sớm 214/322. Số thí sinh trúng tuyển tuyển sớm 375.517. Số nguyện vọng trúng tuyển sớm 1.268.232. Số thí sinh có trúng tuyển sớm sau lọc ảo 301.849.
Về vấn đề này, Bộ GDĐT khuyến cáo các cơ sở đào tạo cần tăng cường truyền thông, hướng dẫn thí sinh. Cơ sở đào tạo cũng cần rà soát, đánh giá hiệu quả của phương thức xét tuyển sớm. Về phía Bộ GDĐT tiếp tục nâng cấp hệ thống đăng ký và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Năm 2024, công tác tuyển sinh cơ bản ổn định như những năm trước. Một số lưu ý với công tác tuyển sinh năm 2024 là tăng cường truyền thông và tăng cường hỗ trợ thí sinh; tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác tuyển sinh, thực hiện đợn giản hoá việc đăng ký xét tuyển; tiếp tục hoàn thiện quy trình và rút ngắn thời gian tuyển đợt 1…
Đổi mới tuyển sinh mang lại nhiều lợi ích, tạo sự cạnh tranh lành mạnh
Thảo luận tại Hội nghị, đại diện các cơ sở giáo dục đại học đánh giá cao những đổi mới tuyển sinh trong 9 năm qua, những đổi mới từng bước này mang lại nhiều lợi ích, thuận lợi cho thí sinh, cơ sở đào tạo. Theo Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên Nguyễn Hữu Công, đổi mới tuyển sinh đã tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo.
Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên Nguyễn Hữu Công trao đổi tại Hội nghị
Kỳ tuyển sinh năm 2023 với những thay đổi về kỹ thuật cũng được đại diện cơ sở đào tạo ghi nhận. Đại diện Trường Đại học Quy Nhơn cho rằng: Năm 2023, Bộ GDĐT đã chỉ đạo tổ chức tuyển sinh rất tốt, hỗ trợ các trường nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Từ đó đề nghị, năm 2024 sẽ giữ ổn định công tác tuyển sinh.
Giữ ổn định tuyển sinh cho năm 2024, tránh những đổi mới lớn để thí sinh, nhà trường yên tâm cũng là kiến nghị của nhiều trường. Cùng với đó là những kiến nghị khác như tiếp tục duy trì xét tuyển sớm nhưng không công bố kết quả sớm, rút ngắn thời gian lọc ảo và thời gian nộp lệ phí, sớm công bố chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm, sớm công bố danh mục các ngành thí điểm…
Từ góc độ ngành học, một số ý kiến chia sẻ băn khoăn khi các khối ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh. Theo Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT Lê Trường Tùng, khối ngành kinh doanh vẫn chiếm tỉ lệ tuyển sinh quá cao, do đó cần có chính sách vĩ mô điều chỉnh để thí sinh vào học những ngành cần thiết hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh nêu quan điểm: Đến lúc “xốc” lại trong đào tạo các ngành khoa hoc cơ bản. Cần có giải pháp để khắc phục thiếu nhân lực khoa học cơ bản, bởi thiếu nguồn nhân lực này khó cho phát triển của đất nước.
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh cũng nhắc lại những khó khăn khi triển khai Nghị định 116 trong đào tạo sư phạm và đề nghị cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn, không chỉ Bộ GDĐT mà còn của các Bộ, ngành, địa phương.
Đại diện Sở GDĐT tỉnh Nam Định trong trao đổi chia sẻ băn khoăn khi học sinh thi nhau học ngoại ngữ để lấy chứng chỉ xét tuyển đại học, hay tỷ lệ lựa chọn xét tuyển khối Khoa học Xã hội cao hơn Khoa học Tự nhiên. Từ đó kiến nghị, Bộ GDĐT có giải pháp phân bổ chỉ tiêu cân đối giữa Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội.
Duy trì sự ổn định trong công tác tuyển sinh
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Nhìn lại 9 năm đổi mới từ 2015 đến nay, có thể thấy cách thức tuyển sinh ngày càng đi vào ổn định và ngày càng tốt hơn, cho thấy sự tăng trưởng bền vững.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tổng kết Hội nghị
“Muốn đánh giá tuyển sinh cần nhìn vào số lượng tuyển được, tỉ lệ tuyển được. Qua 9 năm đổi mới tuyển sinh, một số năm đầu số lượng đi xuống nhưng rõ ràng cả quá trình vừa qua cho thấy sự tăng trưởng bền vững. Cả hệ thống giáo dục đại học cố gắng cùng nâng cao chất lượng. Niềm tin của xã hội vào chất lượng giáo dục đại học, vào nhân lực trình độ cao nâng lên”, Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng, nhìn về thuận lợi và hiệu quả, mỗi năm công tác tuyển sinh có điều chỉnh lớn và nhỏ nhưng đều theo hướng ngày càng thuận lợi cho thí sinh, cơ sở đào tạo, công tác quản lý nhà nước. Việc thí sinh ở bất cứ nơi đâu, chỗ nào cũng có thể tiến hành đăng ký xét tuyển tạo sự thuận tiện, hiệu quả với các trường. Việc tuyển sinh ngày càng công khai và minh bạch. Mọi dữ liệu tuyển sinh, từ đề án, phương thức của nhà trường đều phải công khai, minh bạch với xã hội, người học qua các hệ thống, phần mềm…
Công tác tuyển sinh cũng cho thấy tinh thần hợp tác. Đó là sự hợp tác của các trường trong các khâu tuyển sinh như lọc ảo, xét tuyển chung… Ngoài sự hợp tác còn là sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo. Các trường tuyển sinh mạnh, thu hút được nhiều người học. Trong khi đó, các trường tuyển sinh kém sẽ phải điều chỉnh, cải tiến để tốt hơn.
Bên cạnh những mặt làm được, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác tuyển sinh giai đoạn từ 2015 đến nay.
Theo đó, dù ngày càng có nhiều cơ hội xét tuyển vào đại học nhưng thí sinh hiện nay cũng đối diện với những khó khăn trong việc chọn ngành, chọn trường, ghi nhớ các phương thức tuyển sinh, thời hạn đăng ký xét tuyển. Do đó, Thứ trưởng lưu ý, việc đa dạng trong phương thức tuyển sinh là tốt nhưng cần thống nhất để tạo thuận lợi cho thí sinh.
Mặc dù công khai, minh bạch tuyển sinh, song hiện tại chưa có có minh chứng thuyết phục về sự công bằng giữa các phương thức tuyển sinh. Vì vậy, các trường cần phân tích, đối sánh kỹ lưỡng giữa kết quả tuyển sinh giữa các phương thức và kết quả học tập của sinh viên để có sự điều chỉnh phù hợp. Trong việc này, cần sử dụng nhiều công cụ, phương pháp so sánh.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số trường hợp chưa nghiêm túc trong thực hiện quy chế tuyển sinh, phổ biến nhất là tuyển vượt chỉ tiêu. Nếu tiếp tục xảy ra hiện tượng này, các trường không thể giữ được niềm tin, sự tin tưởng của xã hội và người học.
Nhìn nhận một số kết quả trong công tác tuyển sinh năm 2023, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý, năm 2024 tiếp tục duy trì ổn định, phát huy kết quả đạt dược để làm đúng hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn.
Thứ trưởng giao Vụ Giáo dục Đại học hoàn thiện Kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2024; các trường cũng đưa ra các kế hoạch tuyển sinh. Đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thiện phần mềm, cơ sở dữ liệu tuyển sinh, nhất là kết quả từ các kỳ thi đánh giá năng lực, kết quả học tập THPT hoặc kết quả thi những năm trước.
Công tác truyền thông, tư vấn cho thí sinh cũng cần được tăng cường để giúp các em chọn đúng ngành, nghề, phù hợp với năng lực và đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần được tăng cường.
Về định hướng tuyển sinh từ năm 2025, Thứ trưởng cho biết, cơ bản sẽ giữ ổn định những nguyên tắc chung, nếu có chỉ điều chỉnh về kỹ thuật. Những vấn đề còn tồn tại như quá đa đạng trong phương thức tuyển sinh, cung cấp thông tin cho thí sinh, công bằng trong tuyển sinh, bất cập xét tuyển sớm… cần được điều chỉnh.
Thứ trưởng yêu cầu các cơ sở đào tạo công bố phương án tuyển sinh năm 2025 trước thời điểm bắt đầu năm học mới 2024-2025.
Tổng số: 857.853.431
Hôm qua: 6831
Đang online: 182