Gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với công tác chuyên môn, những năm gần đây, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã thu được những kết quả rất đáng ghi nhận. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phạm Hồng Quang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc ĐHTN xung quanh vấn đề này.
Đại biểu thăm quan sản phẩm khoa học công nghệ và đào tạo của cán bộ, giảng viên, sinh viên các đơn vị trực thuộc Đại học Thái Nguyên thực hiện
PV: Trước tiên, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa việc triển khai Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đối với ĐHTN?
GS.TS Phạm Hồng Quang: Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị là chỉ thị cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa to lớn, không những thể hiện tấm lòng, tình cảm của nhân dân, của Đảng, của đất nước Việt Nam với Bác Hồ mà còn là nội dung chiến lược về phát triển con người, đây cũng là chiến lược xây dựng Đảng. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, thực hiện tốt Chỉ thị này góp phần quan trọng vào sự trường tồn, vững mạnh của Đảng, của đất nước, gắn liền với vận mệnh của dân tộc. Việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đã gắn kết được ý tưởng, quyết tâm xây dựng chỉnh đốn đội ngũ của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, và là trách nhiệm của bất cứ người đảng viên nào. Đối với ĐHTN, nội dung của Chỉ thị đã trở thành nội dung thường xuyên được quán triệt trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ. Đảng bộ các cấp của ĐHTN khi xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động, nội dung phong phú; mỗi cán bộ, đảng viên đều phải kiểm điểm việc thực hiện chỉ thị 05; có tổng kết, khen thưởng và động viên đối với những cán bộ, đảng viên thực hiện tốt.
P.V: Trên tinh thần đó, Đại học Thái Nguyên đã tập trung vào thực hiện các nội dung gì, thưa ông?
GS.TS Phạm Hồng Quang: Để thực hiện Chỉ thị 05, Đảng bộ ĐHTN tập trung vào 3 nội dung trọng tâm: Thứ nhất, đó là công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng cán bộ, trước hết là cán bộ quản lý các cấp. Năng lực cán bộ ở đây không chỉ đào tạo về trình độ chuyên môn, mà còn phải bồi dưỡng về tư tưởng chính trị, lý luận, thực tiễn, đạo đức lối sống thông qua sinh hoạt hàng ngày, kiểm điểm chi bộ và qua đánh giá đảng viên và cán bộ. Thứ hai, xem xét mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, đảng viên thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Thứ ba, các hoạt động của cán bộ, đảng viên tại địa phương. Xem tấm gương đạo đức lối sống, gia đình, văn hóa chấp hành luật pháp của cán bộ, đảng viên đó như thế nào thì mới gắn kết được nội dung chỉ đạo của ĐHTN.
Chức năng của giảng viên là truyền lửa, khơi gợi tiềm năng của thế hệ đi sau. Do đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh rất quan trọng với cán bộ, viên chức ngành giáo dục, nhất là trong trường đại học
P.V: Ông có thể đề cập một số mô hình hiệu quả, từng bước nhân rộng khi thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị?
GS.TS Phạm Hồng Quang: ĐHTN có gần 4.000 cán bộ, viên chức, trong đó có hơn 3.000 đảng viên. Qua đánh giá hằng năm cho thấy, đại đa số cán bộ, viên chức đảm bảo chất lượng; một số trường, khoa thành viên có những điển hình, tấm gương nhà khoa học tiêu biểu.
Để có mô hình hiệu quả thì tùy theo tính chất, đặc điểm của từng cơ quan đơn vị. Với ĐHTN, phần lớn cán bộ, đảng viên đều là giảng viên, nhà khoa học nên cũng là mô hình hoạt động chuyên môn là yêu cầu đầu tiên chúng tôi tập trung xây dựng. Từ hoạt động chuyên môn để đánh giá năng lực, phẩm chất, kết quả hoạt động của người giảng viên có chất lượng hay không. Đối với trường đại học, giảng viên đại học không chỉ đơn thuần giảng dạy, hướng dẫn, giáo dục sinh viên, mà quan trong hơn là truyền cảm hứng, gương mẫu trước sinh viên. Mô hình thứ hai là nêu gương điển hình về tự học, tự bồi dưỡng. Mô hình này chúng tôi gắn với từng con người cụ thể và có biểu dương, khen thưởng kịp thời. Mô hình thứ ba là thông qua đánh giá, phản hồi của sinh viên; đánh giá của người lao động về cán bộ, giảng viên, đảng viên. Tất cả các tiêu chuẩn thi đua, tiêu chuẩn bình xét các danh hiệu để đánh giá chúng tôi đều công khai trên website. Mô hình nữa mà ĐHTN triển khai là thông qua việc tổ chức các hoạt động chính trị - xã hội, tạo cho điều kiện để cán bộ, đảng viên thể hiện năng lực chính trị, năng lực hoạt động xã hội cùng với năng lực chuyên môn.
PV: Để việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào nền nếp, trở thành thói quen của mỗi cán bộ, đảng viên, theo ông cần khắc phục những hạn chế, bất cập nào?
GS.TS Phạm Hồng Quang: Tôi cho rằng, những hạn chế của cán bộ, viên chức nói chung và cán bộ đảng viên nói riêng xuất phát từ 2 nguyên nhân. Khách quan là việc xây dựng vị trí việc làm chưa chuẩn, chưa sát thực tế công việc dẫn đến nội dung và định mức công việc không rõ. Chủ quan là việc đánh giá nội bộ còn nể nang, né tránh. Nếu đánh giá tất cả đều hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, đấy là một đánh giá chưa đáp ứng được yêu cầu để tạo động lực cho người giỏi. Trong tương lai, có 2 việc cần làm tốt: Một là xác định đúng vị trí việc làm để đảm bảo chất lượng, hai là đánh giá đúng thực tế để có căn cứ trả lương, trả thu nhập theo đúng vị trí và chất lượng công tác.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh rất quan trọng với cán bộ, viên chức ngành giáo dục, nhất là trong trường đại học. Bởi vì chức năng quan trọng của giảng viên là truyền lửa, khơi gợi tiềm năng của thế hệ đi sau. Tôi cho rằng, nền tảng quan trọng vẫn là tự rèn luyện tư cách, phẩm chất người đảng viên. Đối với cán bộ, đảng viên phải coi trọng việc tự rèn, tự học tập và có nhiều thành tích tốt trong học tập, giảng dạy và quản lí, kết quả phải tốt hơn nữa thì lúc đó mới có sức mạnh truyền lửa, truyền niềm tin đến với thế hệ sau.
GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHTN (đứng thứ 8 từ trái qua) nhận Bằng khen của UBND tỉnh có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị
P.V: Ông có thể chia sẻ nhiệm vụ trọng tâm mà Đại học Thái Nguyên sẽ thực hiện trong thời gian tới?
GS.TS Phạm Hồng Quang: Trong năm 2020, Đảng bộ ĐHTN sẽ tập trung lãnh đạo chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp. Để chuẩn bị đội ngũ cán bộ, chúng tôi coi trọng đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá tất cả các khía cạnh để đảm bảo chất lượng, lựa chọn cán bộ thực sự tâm huyết, trách nhiệm với nhiệm vụ, là tấm gương điển hình, mẫu mực về lối sống. Cùng với đó là phấn đấu hoàn thành các chương trình, đề án đã đề ra trong nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó quan tâm đến việc gắn kết giữa các đơn vị thành viên, gắn kết giữa đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể; gắn kết nhà khoa học với sinh viên để tạo ra môi trường thực sự dân chủ, đoàn kết; khắc phục những biểu hiện lệch lạc trong tư tưởng, chấn chỉnh các biểu hiện mất đoàn kết, sa sút về phẩm chất trong cán bộ, sinh viên.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn GS.TS Phạm Hồng Quang!
Thực hiện: Trần Nhung
Nguồn gốc sưu tầm: http://tnu.edu.vn/hoc-tap-va-lam-theo-bac-tro-thanh-viec-lam-thuong-xuyen-tu-giac-dn20394.html
Tổng số: 857.853.431
Hôm qua: 6831
Đang online: 182