27 năm - một chặng đường

Ngày này của 27 năm trước, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/CP về việc thành lập Đại học Thái Nguyên (04/4/1994 – 04/4/2021) trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại các trường đại học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đại học Thái Nguyên được giao trọng trách là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ cho các tỉnh, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Luật số 34/2018/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã xác định Đại học Quốc gia, Đại học Vùng “là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”.

4-4-2021--2.JPG

Đồng chí Uông Chu Lưu – Phó Chủ tịch Quốc hội trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất cho ĐHTN nhân dịp tổng kết 25 năm xây dựng và phát triển (04/4/1994-04/4/2019).

Hiện nay, Đại học Thái Nguyên có 07 trường đại học thành viên; 01 trường cao đẳng; 01 Phân hiệu tại tỉnh Lào Cai, Trường Ngoại ngữ và Khoa Quốc tế trực thuộc Đại học; 01 Nhà Xuất bản và 05 Trung tâm phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Về đội ngũ, Đại học Thái Nguyên có 2.460 cán bộ giảng dạy, với gần 900 cán bộ giáo viên có trình độ tiến sĩ với hơn 150 tiến sĩ là Giáo sư, Phó Giáo sư ở các ngành cơ bản, mũi nhọn.

Kế thừa và phát huy truyền thống hơn 50 năm xây dựng và phát triển của các trường đại học thành viên, công tác đào tạo của Đại học Thái Nguyên đã khẳng định uy tín và thương hiệu của mình trong quá trình đổi mới và hội nhập.  Đến nay, 7/7 trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên đều đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ giáo dục và Đào tạo. Đại học Thái Nguyên đào tạo 64 ngành trình độ thạc sĩ, 32 ngành trình độ tiến sĩ, 59 ngành thạc sĩ, 107 ngành đào tạo trình độ đại học (trong đó có 09 chương trình tiên tiến); 24 ngành đào tạo cao đẳng. Ngoài ra, có trên 30 chương trình liên kết đào tạo từ trình độ đại học tới tiến sĩ với nước ngoài. Các ngành đào tạo của Đại học Thái Nguyên bao trùm tất cả các lĩnh vực đào tạo (trừ lĩnh vực an ninh - quốc phòng).

Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Đại học Thái Nguyên đã phát huy tốt tiềm năng và thế mạnh của Đại học Vùng. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2015 - 2020, Đại học Thái Nguyên triển khai thực hiện 8 chương trình khoa học công nghệ, 45 đề tài cấp Nhà nước, 3 dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, 408 đề tài cấp bộ và đại học; thực hiện 77 đề tài cấp tỉnh; 7 đề tài, 18 dự án hợp tác quốc tế với tổng kinh phí là 3,44 triệu đô la Mỹ. Hiện nay, Đại học Thái Nguyên đã có hợp tác toàn diện về khoa học công nghệ với hầu hết các địa phương trong khu vực. Đại học Thái Nguyên đứng trong nhóm 10 các trường đại học có công bố quốc tế tốt nhất Việt Nam, theo xếp hạng chỉ số nghiên cứu nội lực, Đại học Thái Nguyên xếp hạng thứ 3/35 trường đại học được xếp hạng.

4-4-2021--3.jpg

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải – Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên động viên, tặng quà cho sinh viên của Đại học Thái Nguyên.

Về hợp tác quốc tế, Đại học Thái Nguyên hiện nay đã thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế; ký kết trên 400 thỏa thuận hợp tác; thực hiện trên 100 chương trình, dự án quốc tế; nhập khẩu 9 chương trình tiên tiến của các nước có nền giáo dục hiện đại trên thế giới; thực hiện trên 30 chương trình liên kết đào tạo quốc tế; tổ chức gần 200 hội nghị, hội thảo có yếu tố quốc tế. Hiện nay, Đại học Thái Nguyên có trên 1.400 lưu học sinh quốc tế đến từ 16 quốc gia đang theo học…

Tại Điều 7 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học) quy định: “Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”, là trung tâm lớn thứ ba của đất nước về giáo dục đại học, Đại học Thái Nguyên đã có những đóng góp đáng kể trong đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước và quốc tế: đào tạo hơn 500.000 sinh viên hệ đại học, cao đẳng;  hơn 15.000 thạc sĩ, tiến sĩ. Các cán bộ do Đại học Thái Nguyên đào tạo đã phát huy tốt kiến thức chuyên môn, năng lực thực tiễn và phẩm chất chính trị, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du, miền núi Bắc bộ và cả nước. Nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp Trung ương, cán bộ chủ chốt của nhiều địa phương, doanh nghiệp, các cán bộ cốt cán của nước bạn Lào và Cam – pu – chia. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII vừa qua, Đại học Thái Nguyên đã có có 06 cựu sinh viên được bầu vào Ban Chấp hành Trung Ương khóa XIII. Theo thống kê, các cựu sinh viên của Đại học Thái Nguyên có 18 người đã và đang là ủy viên Ban Ban Chấp hành TW Đảng; hơn 30 người đã và đang giữ các chức vụ Bộ trưởng, Thứ trưởng; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Bí thư, Phó Bí thư cấp tỉnh. Tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc đã từng tham gia học tập và tốt nghiệp tại các trường thành viên của Đại học Thái Nguyên chiếm khoảng 58,6%; có nhiều sở, ban, ngành có tỷ lệ 80 - 90%.

Hiện nay, Đại học Thái Nguyên xác định 3 trụ cột quan trọng đó là: Đào tạo nhân lực chất lượng cao; Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thành công; Tư vấn chính sách có hiệu quả, từ đó phát triển để trở thành một chỉnh thể thống nhất về mục tiêu, sứ mạng và nhiệm vụ chung, để phát huy sức mạnh nội lực, trở thành một bộ phận không tách rời của các địa phương trong vùng và trong cạnh tranh toàn cầu.

Trong thời gian tới, Đại học Thái Nguyên xác định phương hướng trọng tâm đó là: Triển khai thực hiện tái cơ cấu Đại học Thái Nguyên theo Luật số 34/2018/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và sớm chuyển Đại học Thái Nguyên theo mô hình đại học hướng đến tự chủ đại học. Duy trì quy mô đào tạo hợp lý, nâng cao chất lượng đào tạo và đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Chủ động đánh giá các chương trình đào tạo để tham gia kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn AUN-QA; đưa ra giải pháp tổng thể xây dựng ĐHTN đạt Top 500 Châu Á theo Bảng xếp hạng quốc tế QS (Quacquarelli Symonds); nâng cấp cổng thông tin điện tử của toàn Đại học nhằm mục tiêu cung cấp thông tin đa chiều, đa lĩnh vực và luôn nằm trong nhóm 10 trường đại học Việt Nam theo xếp hạng của tổ chức Webometrics; Tạp chí KHCN của ĐHTN đạt chuẩn quốc tế ACI; tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng các doanh nghiệp của đại học; phát triển Đại học Thái Nguyên thành trung tâm giáo dục đại học đổi mới, sáng tạo, có bản sắc, có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội, là địa chỉ tin cậy cho người học trong khu vực và quốc tế...

4-4-2021--5.JPG

Ban Chấp hành Đảng bộ Đại học Thái Nguyên lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, những đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội của vùng trung du và miền núi Bắc bộ nói riêng và cả nước nói chung, Đại học Thái Nguyên và một số trường thành viên đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý: “Huân chương Lao động” hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba; “Huân chương Độc lập” hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba; hai cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” và nhiều phần thưởng cao quý khác./.

(Nguồn: http://tnu.edu.vn/27-nam-mot-chang-duong-dn34026.html)

Trung tâm Đào tạo Từ xa - Đại học Thái Nguyên

Địa chỉ:
Phường Tân Thịnh - TP Thái Nguyên
Bộ phận Tuyển sinh:
Bộ phận Đào tạo:
Bộ phận Khảo thí:
Bộ phận Hành chính:
PGĐ Đoàn Đức Hải:
PGĐ Trương Hữu Dũng:
PGĐ Đại Học Thái Nguyên - Giám đốc Trung tâm
PGS.TS. Nguyễn Hữu Công:
Lượt truy cập

Tổng số: 857.853.431

Hôm qua: 6831

Đang online: 182